Nhựa có vai trò không thể phủ nhận trong cuộc sống. Chúng bền, rẻ và linh hoạt đến mức dường như đã trở thành một gây chất nghiện mà con người khó cắt giảm sự phụ thuộc vào chúng. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích quan trọng mà nhựa mang lại thì sự xuất hiện của chúng dưới hình thức rác thải đã để lại không ít những thách thức mà đang nhanh chóng vượt lên khả năng giải quyết của thế giới.
Rác thải nhựa bắt đầu như thế nào?
Nhựa lần đầu được tổng hợp thành công vào năm 1869 bởi John Wesley Hyatt, người được truyền cảm hứng từ lời đề nghị 10.000 đô la của một công ty ở New York cho bất kỳ ai có thể cung cấp vật liệu thay thế cho ngà voi. Bằng cách xử lý cellulose, có nguồn gốc từ sợi bông, với long não, Hyatt đã phát hiện ra một loại nhựa có thể chế tạo thành nhiều hình dạng khác nhau và được tạo ra để bắt chước các chất tự nhiên như mai rùa, sừng, vải lanh và ngà voi.
Nhà phát minh nhựa - John Wesley Hyatt
Khám phá này trở thành một cuộc cách mạng, giúp giải phóng con người khỏi những hạn chế về kinh tế và xã hội do sự khan hiếm tài nguyên thiên nhiên. Nhựa đã tạo điều kiện cho sự phát triển của máy tính, điện thoại di động và hầu hết các tiến bộ cứu sinh của y học hiện đại. Với tính chất nhẹ và cách nhiệt tốt, nhựa còn giúp tiết kiệm nhiên liệu hóa thạch được sử dụng trong sưởi ấm và vận chuyển. Có lẽ quan trọng nhất, giá thành rẻ của nhựa đã nâng cao mức sống và làm cho vật chất dồi dào hơn.
Tuy nhiên, sự lạm dụng quá mức vật liệu nhựa đã dẫn đến thực trạng rằng có khoảng 12 tỷ tấn rác thải nhựa sẽ tích tụ trong hai đến ba thập kỷ tới và sẽ cần đến hàng trăm năm để dọn sạch hậu quả này. Theo hiệp hội Plastics Europe, năng lực sản xuất nhựa trên toàn cầu đã tăng từ khoảng 1,5 triệu tấn mỗi năm vào năm 1950 lên 270 triệu tấn vào năm 2010 và 359 triệu tấn vào năm 2018.
Năng lực sản xuất nhựa toàn cầu từ 1950 - 2018
Trong đó, nhựa sử dụng một lần đang chiếm đến 40% lượng nhựa được sản xuất hàng năm. Nhiều trong số này, chẳng hạn như túi nhựa và giấy gói thực phẩm, có tuổi thọ chỉ được tính bằng phút và giờ, nhưng lại mất hàng trăm năm để phân hủy. Và một trong những khu vực chịu ảnh hưởng lớn nhất từ nguồn rác thải nhựa chính là đại dương, do nằm ở hạ lưu của gần như mọi địa điểm trên cạn nên nó là cơ quan tiếp nhận phần lớn rác thải nhựa được tạo ra trên đất liền.
Nghiên cứu hải dương học đầu tiên kiểm tra lượng mảnh vụn nhựa gần bề mặt trong các đại dương trên thế giới đã được công bố vào năm 2014. Người ta ước tính rằng ít nhất 5,25 nghìn tỷ hạt nhựa riêng lẻ nặng khoảng 244.000 tấn (269.000 tấn thiếu) đang trôi nổi trên hoặc gần bề mặt. Một nghiên cứu khác vào năm 2021 đã xác định rằng 44% mảnh vụn nhựa ở sông, đại dương và trên bờ biển được tạo thành từ túi, chai lọ và các vật dụng liên quan đến bữa ăn mang đi.
Rác nhựa đã trở thành một vấn đề nghiêm trọng và đe dọa đời sống con người đến mức thúc đẩy Liên Hợp Quốc phải đàm phán và thực hiện các nỗ lực nhằm soạn thảo một hiệp ước toàn cầu về vấn đề này.
Rác thải nhựa có gây ra những vấn đề nghiêm trọng như chúng ta tưởng?
Chỉ riêng nhu cầu sử dụng nhựa đã thúc đẩy các nhà sản xuất và thải ra một lượng rất lớn khí thải nhà kính. Điển hình như top 20 công ty sản xuất nhựa lớn nhất thế giới đang tạo ra khoảng 450 triệu tấn khí thải nhà kính - tương đương với tổng lượng khí thải của Vương quốc Anh, theo Carbon Trust và Wood Mackenzie.
Hiệu ứng nhà kính
Sau khi bị vứt bỏ, các sản phẩm từ nhựa sẽ phân rã thành những hạt vi nhựa với đường kính đường kính chưa đến 1/5 inch và di chuyển khắp mọi nơi trên thế giới từ đỉnh Everest, nóc nhà của thế giới, đến rãnh Mariana sâu nhất trong đại dương. Đặc biệt, chúng còn được tìm thấy trong các hệ thống nước uống của thành phố và trôi dạt trong không khí. Từ đó, xâm nhập trực tiếp và cơ thể con người và gây ra những tổn thương nguy hiểm.
Minh chứng là gần đây các nhà khoa học tại Anh đã tìm thấy các hạt nhựa siêu nhỏ từ mô của 11 trong tổng số 13 bệnh nhân vừa trải qua phẫu thuật. Với các vi hạt phổ biến nhất là Polypropylene (loại nhựa thường được sử dụng trong bao bì thực phẩm và ống nhựa), PET (loại nhựa thường dùng trong chai nước uống). Trước đó, hai nghiên cứu khác cũng đã phát hiện tỷ lệ vi nhựa cao tương tự trong mô phổi được lấy từ quá trình khám nghiệm tử thi.
Hạt vi nhựa trong không khí
Nhưng con người không phải là nạn nhân duy nhất trong cuộc chiến này. Khi mỗi năm lại có hàng triệu cá thể động vật biển bị giết bởi nhựa, từ chim, cá đến các sinh vật biển khác. Hầu hết các trường hợp tử vong của động vật là do ăn nhầm hoặc mắc kẹt trong nhựa. Trường hợp này cũng diễn ra tương tự với các động vật trên cạn.
Các xét nghiệm cũng đã cho thấy gan và tế bào bị tổn thương và gián đoạn hệ thống sinh sản, khiến một số loài, chẳng hạn như hàu, đẻ ít trứng hơn. Điều này đang diễn ra thường xuyên với rất nhiều loài động vật, đặt ra những câu hỏi khó về tác động của nhựa đối với các quần thể này.
Những thay đổi trong tầm tay để đẩy lùi ô nhiễm rác thải nhựa
Trong thời gian qua, các chính phủ trên thế giới đã công bố nhiều chính sách nhằm cắt giảm khối lượng nhựa sử dụng một lần bằng cách cấm các sản phẩm dùng một lần như ống hút, hộp đựng thức ăn, tăm bông, túi nilon,... hoặc gia tăng các nỗ lực tái chế rác thải thải nhựa. Tuy nhiên, các báo cáo đã chỉ ra rằng sự hạn chế này và quy mô tái chế đang tăng không đủ nhanh để xử lý lượng nhựa được sản xuất. Vì thế, sự chung tay của mỗi cá nhân chúng ta nhằm thay đổi thực trạng tồi tệ này là điều rất quan trọng.
Tái chế nhựa
Hãy thay đổi các thói quen tiêu dùng nhựa của mình và thay thế chúng bằng các hành động lành mạnh hơn như mang túi tái sử dụng nhiều lần thay cho túi nilon, sử dụng các dịch vụ “refill” cho các sản phẩm làm đẹp,... Đặc biệt, hãy để môi trường là một trong những nhân tố quan trọng mà bạn cần cân nhắc khi chi tiêu.
Ngoài ra, vì rõ ràng là nhựa có một vai trò vô cùng thiết yếu trong cuộc sống nên thay vì nỗ lực loại bỏ thì nhiều nghiên cứu đang được thực hiện nhằm biến nhựa trở thành một vật liệu an toàn và bền vững hơn. Và có thể bạn đã biết đến khái niệm nhựa sinh học, với nguyên liệu sản xuất loại nhựa này được lấy từ cây trồng thay vì nhiên liệu hóa thạch, nhằm hướng đến khả năng phân hủy sinh học và đặc tính thân thiện môi trường.
Nhựa sinh học làm từ bã cà phê
>>> Tìm hiểu thêm: SỬ DỤNG NHỰA SINH HỌC LÀM TỪ BÃ CÀ PHÊ ĐỂ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG
Một số nhà đổi mới còn tìm cách để tái chế hiệu quả hơn và thậm chí với hy vọng hoàn thiện một quy trình chuyển đổi nhựa trở lại thành nhiên liệu hóa thạch, nơi mà chúng được tạo ra. Tất cả những nhà đổi mới này đều nhận ra rằng nhựa không hoàn hảo nhưng chúng là một phần quan trọng và cần thiết trong tương lai của chúng ta.